Những điểm mới của Nghị định số 154/2024/NĐ-CP về cư trú
Những điểm mới của Nghị định số 154/2024/NĐ-CP về cư trú
Ngày 26/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2024/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2025, theo đó có những điểm mới sau đây:
1. Không bắt buộc phải nộp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp
Trước đây, người dân bắt buộc phải nộp các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú.
Tuy nhiên theo quy định mới tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 154/2024/NĐ-CP, công dân có thể chỉ cần cung cấp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp cho cơ quan đăng ký cư trú khi nộp hồ sơ đăng ký cư trú.
Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm khai thác thông tin này trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Trường hợp không khai thác được thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp trong cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin hoặc ứng dụng định danh quốc gia thì công dân mới cần cung cấp bản sao, bản chụp, bản điện tử một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp khi cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu.
2. Không bắt buộc phải nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân
Tương tự như các giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, người dân cũng không bắt buộc phải nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân khi đăng ký cư trú như trước đây.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 154, khi nộp hồ sơ đăng ký cư trú - công dân chỉ cần cung cấp thông tin về quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình cho cơ quan đăng ký cư trú.
Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm khai thác thông tin này trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác khác.
Trường hợp không khai thác được thông tin chứng minh về quan hệ nhân thân trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm tra, xác minh để giải quyết thủ tục về cư trú; công dân có trách nhiệm cung cấp bản sao, bản chụp, bản điện tử một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về quan hệ nhân thân khi cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu.
3. Phải đăng ký thường trú cho trẻ trong 60 ngày kể từ khi đăng ký khai sinh
Đây là nội dung mới được quy định tại Điều 7 Nghị định 154/2024, cụ thể:
Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú không phải là nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trường hợp người chưa thành niên được Tòa án quyết định giao cho cha hoặc mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng thì người được giao chăm sóc, nuôi dưỡng kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh thì cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên.
Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên có nơi thường trú nhưng không phải nơi đang thực tế sinh sống thì người chưa thành niên được đăng ký thường trú tại nơi thường trú của cha, mẹ.
Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên không có cả nơi thường trú, nơi tạm trú thì thực hiện khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
Trường hợp đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú lần đầu cho người chưa thành niên thì cơ quan đăng ký cư trú không phải thực hiện kiểm tra, xác minh điều kiện về tính hợp pháp của chỗ ở và tình trạng cư trú.
4. Hướng dẫn mới về các trường hợp đăng ký cư trú phải lấy ý kiến của chủ sở hữu chỗ ở
Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 8 Nghị định 154 quy định hướng dẫn về các trường hợp đăng ký cư trú phải xin ý kiến như sau:
- Trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó có nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.
- Trường hợp vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha, mẹ, cha, mẹ về ở với con đăng ký thường trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.
- Trường hợp đăng ký thường trú không thuộc trường hợp trên mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.
- Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chi cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
- Việc lấy ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định pháp luật, cha, mẹ, người giám hộ được thực hiện bằng một trong các hình thức sau:
- Ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
- Xác nhận nội dung đồng ý thông qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến hoặc cơ quan đăng ký cư trú trao đổi, lấy ý kiến trực tiếp thông qua việc kiểm tra, xác minh cư trú;
- Có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
- So với các quy định trước đây, việc xác nhận đồng ý qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến tại Nghị định 154 là quy định hoàn toàn mới.
5. Hướng dẫn mới về trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú
Theo quy định tại khoản 6, 7 Điều 8 Nghị định 154, trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì chủ hộ chỉ thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú và kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trường hợp một hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì một trong các thành viên đó thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú.
Sau đó, người thực hiện thủ tục được kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, không phải nộp hồ sơ và thực hiện thêm các thủ tục đăng ký cư trú khác cho thành viên hộ gia đình.
6. Hướng dẫn mới về xác nhận diện tích bình quân nhà ở để đăng ký thường trú
Việc xác nhận về điều kiện diện tích bình quân nhà ở để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ; nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, không thuộc địa điểm không được đăng ký thường trú mới được quy định tại khoản 12 Điều 8 Nghị định 154 như sau:
- Cách thức nộp hồ sơ: Công dân nộp 01 hồ sơ đề nghị xác nhận bằng phương thức trực tuyến, trực tiếp, dịch vụ bưu chính công ích tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú;
- Hồ sơ đề nghị xác nhận gồm: Tờ khai đề nghị xác nhận theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này;
- Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xem xét xác nhận và trả kết quả cho công dân; trường hợp từ chối giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;
Trường hợp công dân nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tới cơ quan đăng ký cư trú cùng hồ sơ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm chuyển hồ sơ đề nghị xác nhận đến Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết.
7. Kéo dài thời gian xóa đăng ký tạm trú
Trước đây, cơ quan đăng ký cư trú phải xóa đăng ký tạm trú đối với công dân và cập nhật việc xóa đăng ký tạm trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú.
Tuy nhiên theo khoản 5 Điều 10 Nghị định 154, thời gian cơ quan đăng ký cư trú phải xóa đăng ký tạm trú đối với công dân và cập nhật việc xóa đăng ký tạm trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kéo dài thêm 01 ngày nữa, tức trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
8. Chỉ có 15 thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú
Điều 9 Nghị định 62/2021 từng quy định đến 32 thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân, bao gồm cả nhóm máu, nghề nghiệp….
Theo quy định mới nhất tại Điều 11 Nghị định 154, trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân chỉ còn 15 trường thông tin, bao gồm:
- Số hồ sơ cư trú.
- Thông tin quy định tại khoản 1 đến khoản 15, khoản 21 đến khoản 25 Điều 9 và khoản 4 Điều 15 Luật Căn cước.
- Tên gọi khác.
- Nơi thường trú, thời gian bắt đầu đến thường trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú.
- Nơi tạm trú, thời gian bắt đầu đến tạm trú, thời gian tạm trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú.
- Tình trạng khai báo tạm vắng, đối tượng khai báo tạm vắng, thời gian tạm vắng, nơi đến trong thời gian tạm vắng, thời gian kết thúc tạm vắng.
- Nơi ở hiện tại, thời gian bắt đầu đến nơi ở hiện tại.
- Nơi lưu trú, thời gian lưu trú.
- Tiền án.
- Tiền sự.
- Biện pháp ngăn chặn bị áp dụng.
- Xóa án tích.
- Số, tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, ngày, tháng, năm ban hành của văn bản cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
- Số, ngày, tháng, năm, cơ quan ra quyết định truy nã, truy tìm, đình nã.
- Thông tin khác về công dân được tích hợp, chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu khác.
9. Nêu rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã khi đăng ký cư trú
Nghị định 154 đã dành hẳn một Điều khoản để nêu rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc đăng ký cư trú. Cụ thể tại Điều 14 Nghị định 154 quy định Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm:
- Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu xác nhận nơi thường xuyên đậu, đỗ; sử dụng phương tiện vào mục đích để ở hoặc văn bản chấp thuận cho phương tiện đậu, đỗ.
- Xác nhận thông tin quan hệ nhân thân, đối tượng thuộc điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, thông tin về chỗ ở hợp pháp, không có tranh chấp, bảo đảm diện tích bình quân để đăng ký thường trú cho công dân trên cơ sở đề xuất của công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính, Công an cấp xã.
- Cập nhật thông tin về hộ tịch, cấp giấy tờ liên quan đến nhân thân cho công dân theo thẩm quyền bảo đảm chính xác, kịp thời, phù hợp, thống nhất với thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
10. Ban hành các mẫu tờ khai đăng ký cư trú mới
Kèm theo Nghị định số 154/2024/NĐ-CP là phụ lục ban hành các biểu mẫu sau:
Mẫu số 01 | Tờ khai đề nghị xác nhận nơi thường xuyên đậu, đỗ; sử dụng phương tiện vào mục đích để ở |
Mẫu số 02 | Tờ khai xác nhận tình trạng chỗ ở hợp pháp, diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú |